Rượu tằm xứ lụa
(Cadn.com.vn) - Xứ Quảng từ lâu đã nổi tiếng với những đặc sản như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tổ, thịt heo ngâm nước mắm, rượu Hồng Đào... Ngày nay, xứ Quảng còn có một loại đặc sản đặc biệt mà khi đến với quê hương Duy Trinh (H. Duy Xuyên) thì nhất định phải nếm thử thì mới đầy đủ cái phong vị của vùng quê này.
Nói đến rượu tằm có lẽ ai cũng ngỡ ngàng vì từ xưa đến giờ ít ai nghĩ con tằm có thể ngâm được rượu. Thế nhưng đối với ông Nhất Tuấn (thôn Chiêm Sơn, Duy Trinh) lại là điều có thể. Xuất thân ở một vùng đất nổi tiếng từ lâu với nghề trồng dâu nuôi tằm, bản thân ông cũng theo nghề này gần 30 năm, vì vậy hơn ai hết ông hiểu rất rõ về con tằm cũng như công dụng của chúng. Được hỏi về ý tưởng để chế tạo loại rượu này, ông Tuấn chia sẻ: “Hồi đó có một đàn ong làm tổ ở đống củi sau nhà. Rồi nước lũ tràn vào ngập tổ ong, tôi đem tổ vào rồi nảy ra ý tưởng kết hợp tằm và mật ong ngâm rượu”. Ban đầu ông Tuấn cũng hỏi kinh nghiệm của mấy ông lão làng trong thôn về cách pha chế, rồi dần tích góp kinh nghiệm, pha chế thành công loại rượu đặc biệt này.
![]() |
Ông Tuấn bên nong tằm,một trong những nguyên liệu để làm ra loại rượu tằm thơm ngon. |
Khác với những loại rượu bình thường, rượu tằm có mùi đặc trưng, rượu màu vàng óng, chỉ cần mở nắp chai rượu là có thể ngửi thấy cái mùi nồng nồng của rượu gạo quyện với mùi tằm và mật ong làm cho chúng ta có cảm giác muốn thưởng thức ngay. Chất nồng nồng cay cay và hương thơm tạo nên hương vị đặc trưng của rượu tằm xứ Quảng giống như chính con người xứ Quảng vậy, mộc mạc, chân chất nhưng bên trong lại thấm đượm bao ân tình.
Ông Tuấn chia sẻ: “Nguyên liệu ở đây chủ yếu là con tằm chín, chuẩn bị nhả tơ thì cho nó vào tủ lạnh ở nhiệt độ âm để kìm nén sự nhả tơ của chúng. Một tuần lấy con tằm ra, cho rượu vào vừa thấm, gọi là ngâm khô sau đó một tuần cho rượu vào nhiều hơn và cho thêm mật ong rừng rồi bỏ vào lòng đất ủ từ 90 đến 100 ngày. Rượu ở đây là rượu nhất từ 45 đến 50 độ”. Theo ông Tuấn, ngâm rượu lâu như vậy để con tằm chiết xuất hết hoạt chất dược liệu, tốt cho người sử dụng và điểm đặc biệt khi uống rượu tằm đó là người uống khi say không bị đau đầu hay mệt mỏi như khi uống các loại rượu khác.
![]() |
Những chai rượu tằm làm say lòng bao nhiêu người. |
Bắt tay vào sản xuất rượu tằm, ông Tuấn mong muốn lưu giữ một chút gì đó của nghề nuôi tằm truyền thống của làng nghề quê hương. Khi có điều kiện ông sẽ mang dự triển lãm như hội chợ xuân ở Đà Nẵng; Hàng Việt chất lượng cao... để quảng bá đến người tiêu dùng. Giờ đây không chỉ những người trong địa phương mà cả những khu vực khác cũng tìm đến loại đặc sản đậm chất Quảng này. Ông Tuấn tâm sự: “Ban đầu khi đi triển lãm người ở Đà Nẵng có cảm giác “sợ”, thế nhưng khi được ông nhiệt tình chỉ dẫn về công dụng và được thưởng thức thì người ta đã quen dần, bây giờ họ rất thích loại rượu tằm này”.
![]() |
Rượu Tằm mới mang từ dưới lòng đất lên đã bắt đầu có màu vàng óng. |
Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm không còn phổ biến như trước đây, không có tằm để làm nguyên liệu để ngâm rượu, ông Tuấn phải đặt trứng tằm ở Nam Định, Thái Bình về ủ. Theo ông, khi chính mình nuôi lớn những con tằm này thì mới có thể đảm bảo vệ sinh, làm vệ sinh tằm đúng nguyên tắc thì khi uống không bị ngộ độc và ông khẳng định là ông có thể đảm bảo hết cho những người uống rượu của ông. Theo kinh nghiệm của ông Tuấn, con tằm được sử dụng ngâm rượu là “tằm giá” bởi tằm giá rất có lợi cho sức khỏe, là nguyên liệu để chiết xuất ra đạm để tiêm. Theo dân gian xưa khi bị cọp vồ ăn một nong tằm giá là có thể hồi phục cho thấy công dụng cực kỳ tốt của rượu tằm.
Giờ đây, khi làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây đã bị mai một thì rượu tằm được coi là những gì còn sót lại của một làng nghề từng rất nổi tiếng trong quá khứ. Với ông Tuấn, sản xuất rượu tằm không phải để kinh doanh mà ông muốn lưu giữ, quảng bá hình ảnh con người xứ Quảng mỗi khi có dịp, và làm quà cho những người bạn phương xa thực sự yêu và nhớ về quê hương Duy Trinh yêu dấu.
Nguyệt Lê – Nguyễn Tiên
Vui lòng đợi ...